Hoạt động đền ơn đáp nghĩa
NHÂN DỊP KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG (3/2/1930-3/2/2024) VÀ CHÀO NĂM MỚI, QUỸ MÁI ẤM HẠNH PHÚC ĐÃ VỀ CHÚC TẾT, THĂM HỎI, TRI ÂN VÀ TRAO QUÀ TẾT TRÊN QUÊ HƯƠNG BÁC HỒ CHO GẦN 2.000 HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN VỚI SỐ TIỀN GẦN 1,5 TỶ ĐỒNG
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2024) và chào năm mới Giáp Thìn 2024, trong 02 ngày 03,04/2/2024 (thứ 7, chủ nhật), Quỹ Mái ấm Hạnh phúc đã về chúc Tết, thăm hỏi, tri ân và trao gần 2.000 suất quà tết trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.
1. Trao quà Tết cho 289 hộ gia đình, cá nhân tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (03/2/1930 - 03/2/2024), cũng là dịp Tết đến, Xuân Giáp Thìn về, năm Quý Mão qua; Quỹ Mái Ấm Hạnh Phúc đã cùng Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, Ban Dân vận, UBKT Huyện ủy, Thanh tra huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An về xã Nam Thái thăm hỏi, chúc Tết, trao quà Tết cho 227 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và công dân của xóm Hồng Minh, 10 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo, mỗi hộ gia đình 600 ngàn đồng và tri ân 27 gia đình, cá nhân, mỗi gia đình, cá nhân 1 triệu đồng. Tổng số hộ gia đình, cá nhân được trao tặng là 289; tổng số tiền trao tặng là 184,200,000 đồng.
Đoàn đã đến dâng hương, hoa và công đức tại Đền thờ Vua và Mẹ Vua Mai Hắc Đế tại Nam Đàn Nghệ An. Vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, là vị Vua lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự chiếm đóng của Nhà Đường ở Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 8, ông là vị anh hùng dân tộc. Ông sinh năm Canh Ngọ (670) tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Theo sử sách, cha của Mai Thúc Loan là Mai Hoàn, mẹ là Mai An Hòa nguyên gốc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện mộ và Đền thờ Vua Mai Hắc Đế; Mộ và Đền thờ Mẹ Vua Mai Hắc Đế ở Nam Thái, Nam Đàn, Nghệ An.
Đoàn đã đến dâng hương, hoa tại nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích quê nội Bác Hồ tại làng Kim Liên; dâng hương hoa tại nhà thờ cụ Hoàng Xuân Đường và Khu Di tích quê ngoại Bác Hồ tại làng Hoàng Trù, xã Nam Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; tham quan ngôi nhà tình nghĩa do Quỹ góp phần xây dựng trên quê Bác trong năm 2023.
2. Trao quà Tết cho 341 hộ gia đình, cá nhân tại xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương
Ngày 03/2/2024, Quỹ Mái Ấm Hạnh Phúc tiếp tục thăm hỏi, chúc Tết, trao quà Tết cho 318 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật và người cao tuổi, công dân xóm Ngọc Chùa mỗi hộ 600 ngàn đồng; tri ân 27 gia đình, cá nhân, mỗi gia đình cá nhân 1 triệu đồng. Tổng số hộ gia đình cá nhân tại xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An được trao tặng là 341 với tổng số tiền là 204,600,000 đồng.
Đoàn đã đến dâng hương hoa tại Chùa Giai, xã Thanh Khai. Chùa Giai tọa lạc tại xóm Ngọc Chùa, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương. Chùa Giai là công trình kiến trúc lâu đời, cổ kính. Trước đây chùa có tên là Văn Hoa Tự. Đến thời Vua Thiệu Trị chùa được đổi tên thành chùa Văn Giai. Trong chùa Giai còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị, trong đó tiêu biểu là 03 pho tượng Phật. Pho tượng Phật Thích Ca và pho tượng Phật Thích ca sơ sinh là các pho tượng cổ của chùa Giai; còn pho tượng A Di Đà được rước từ chùa Linh Sâm xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương về thờ khi chùa Linh Sâm bị triệt giải từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Chùa Giai được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2013. Chùa Giai hiện đang trong quá trình tu bổ, tôn tạo, xây dựng mới, dự kiến hoàn thành năm 2024, hứa hẹn đây là ngôi chùa đẹp và linh thiêng.
3. Trao quà Tết cho trên 600 hộ gia đình, cá nhân tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương
Cũng trong ngày 03/2/2024, Quỹ Mái ấm Hạnh phúc đã thăm hỏi, chúc Tết và trao quà Tết tại 02 xóm Mỹ Sơn và xóm Trung Long thuộc xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; thăm, chúc Tết các cụ phụ lão, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật; tri ân gia đình, cá nhân tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tổng số hộ gia đình cá nhân được thăm hỏi, chúc Tết, trao quà Tết là trên 600 người với số tiền trên 400 triệu đồng.
Tại Trụ sở UBND xã, Lãnh đạo Quỹ Mái Ấm Hạnh Phúc cùng với Đại diện Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện, Ban Dân vận Huyện ủy Thanh Chương; đại diện Lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, các đoàn thể, lãnh đạo xóm Mỹ Sơn đã chúc tết và trao 253 suất quà tết, mỗi suất 600 ngàn đồng.
Đoàn đã dâng hương hoa tại Đền Đức Thánh Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan (Đền Hữu) tại địa phương. Đền Hữu được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng là một công trình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Đền đã được xép hạng là Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 2009.
Cũng trong ngày Đoàn đã cùng Lãnh đạo huyện Thanh Chương, Lãnh đạo xã Thanh Yên trao 269 suất quà tết cho các hộ gia đình tại xóm Trung Long, xã Thanh Yên.
Buổi tối cùng ngày, tại Điện Quan âm Bồ tát xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, Quỹ Mái Ấm Hạnh Phúc đã cùng đại diện lãnh đạo địa phương 02 huyện Nam Đàn, Thanh Chương và đại diện lãnh đạo 03 xã Nam Thái, Thanh Yên, Thanh Khai dâng hương hoa Đức Phật, tổ chức tiệc tất niên và trao quà Tết, tri ân các gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp cho địa phương, cho hoạt động thiện nguyện của Quỹ tại địa phương. Quỹ đã trao quà tri ân cho 06 ông bà hộ tự chùa Văn Giai, 01 ông hộ tự Đền Đức Thánh Cả, 08 ông bà hộ tự Điện Quan âm Bồ Tát; 10 đại diện các nhà thờ Họ Bùi, họ Nguyễn Duy, họ Văn mỗi hộ 2 triệu đồng; 10 ông bà cao tuổi; 35 cá nhân xã Thanh Yên, 27 cá nhân xã Thanh Khai, 27 cá nhân xã Nam Thái và nhiều gia đình, cá nhân khác tại 02 huyện Nam Đàn, Thanh Chương. Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Quỹ Mái Ấm Hạnh Phúc cho biết Điện Quan Thế âm Bồ tát tại xã Thanh Yên được khánh trạch trong năm 2023, đã được Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại trưởng lão Hòa Thượng Thích Thanh Dũng và nhiều vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại Đức về an định Phật, tham dự khánh trạch. Từ đó đến nay có 08 phật tử thường xuyên hộ tự tại Điện Quan Thế âm góp phần an lành cho bà con tại đây.
4. Trao quà Tết và tri ân tại Nhà thờ họ Lê Văn, thăm hỏi và trao quà tết tại xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
Sáng ngày 04/2/2024, Quỹ Mái ấm Hạnh phúc đã về dâng hương hoa, tri ân tại Nhà thờ họ Lê Văn, thắp hương tưởng nhớ cố nhà giáo nổi tiếng đất học Nghệ An Lê Văn Đệ tại quê hương Thầy tại xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (nay là xã Đại Đồng).
Tại đây Quỹ Mái Ấm Hạnh Phúc đã trao 200 suất quà tết, mỗi suất quà 600 ngàn đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có người nhiễm chất độc da cam; tri ân các hộ gia đình, cá nhân dòng họ Lê Văn tổng số tiền trên 120 triệu đồng.
Cũng tại đây, Quỹ Mái Ấm Hạnh Phúc đã thăm hỏi, chúc sức khỏe, chúc Tết và tặng quà nhiều các thầy cô giáo ở nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An, Hội đồng gia tộc họ Lê Văn.
5. Viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt Lào tại huyện Anh Sơn, trao quà Tết tại xã biên giới Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An
Chiều ngày 04/2/2024, Quỹ Mái Ấm Hạnh Phúc đã dâng hương hoa tại Đền thờ Bác Hồ; dâng Lễ và hương hoa tại Đền thờ các Anh Hùng Liệt sĩ tại Khu Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt Lào tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt Lào là nơi tập trung các phần mộ liệt sĩ của hơn 11.000 cán bộ, chiến sĩ tình nguyện và chuyên gia quân sự hy sinh trên chiến trường Lào.
Đoàn đã đến thăm hỏi gia đình và thắp hương cố nhà giáo Bùi Thị Lai tại xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn.
Đại diện Lãnh đạo Quỹ Mái Ấm Hạnh Phúc cùng Bí thư Huyện ủy Anh Sơn Nguyễn Hữu Sáng đã về thăm hỏi, chúc sức khỏe, chúc tết và trao quà tết cho 200 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình cách mạng của xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, mỗi hộ gia đình 600 ngàn đồng với tổng số tiền 120 triệu đồng. Xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn được biết đến là xã biên giới Việt Lào, có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng. Xã Phúc Sơn có tên gọi cổ là làng Yên Phúc là một trong các làng được chọn đưa vào giới thiệu trong số 51 làng ở Việt Nam tại cuốn sách Làng Việt Nam nổi tiếng, NXB Thanh niên, 2005. Làng Yên Phúc do ông Nguyễn Xí, một vị tướng của Nghĩa quân Lam Sơn lập nên, là căn cứ đồn trú của Nghĩa quân Lam Sơn để đánh trận gắn liền với Miền Trà Lân, đồng Phả Lữ, cầu Miện đã đi vào lịch sử dân tộc. Xã Phúc Sơn có diện tích rộng vào loại lớn nhất cả nước, bề ngang kéo dài 42 km từ biên giới Việt Lào đến bờ hữu ngạn Sông Lam, có bản Cao Vều sát đường biên giới Việt Lào với 90% hộ đồng bào dân tộc Thái. Nhân dân Phúc Sơn có truyền thống yêu nước và cách mạng đáng tự hào. Từ năm 1925-1929 đã tổ chức 19 cuộc đấu tranh với chính quyền phong kiến, thực dân trong đó nổi bật là Phúc Sơn, “Làng Đỏ”; chi bộ Đảng ở đây được thành lập từ năm 1930 với 08 Đảng viên.